Lượt xem: 492

Nông dân Sóc Trăng e dè xuống giống vụ lúa Hè Thu

Theo khung lịch thời vụ đã được khuyến cáo, vụ lúa Hè Thu năm 2022 tỉnh Sóc Trăng bắt đầu khởi động từ giữa tháng 4 (Dương lịch). Tiến độ xuống giống tại các địa phương đến thời điểm này là trên 63.000 ha. Tuy vậy, giá lúa chưa thật sự ổn định, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nhiều nông dân có phần e dè khi canh tác vụ Hè Thu năm nay. Do đó, diện tích vụ lúa Hè Thu có nhiều khả năng sẽ giảm hơn so với cùng kỳ.

 


Nông dân Ngô Văn Vũ bên diện tích sen mới xuống giống trên nền đất trồng lúa. 

 

    Thời điểm này, khi trà lúa Hè Thu tại nhiều khu vực lân cận đã bắt đầu bước vào giai đoạn mạ, thì 40 công đất trồng lúa của gia đình ông Ngô Văn Vũ ở ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú đã được chuyển hẳn sang mô hình trồng sen để lấy gương. Vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa thấp, lợi nhuận mỗi công cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ, đó là nguyên nhân khiến ông Vũ có phần e ngại khi sản xuất vụ Hè Thu năm nay. Mặc dù đầu ra đối với mô hình trồng sen lấy gương còn khá khiêm tốn, nhưng theo ông, ít ra mô hình chuyển đổi này sẽ giúp hạn chế chi phí đầu tư hơn so với việc canh tác lúa trong giai đoạn này. Ông Vũ cho biết: “Thấy vụ rồi trồng lúa không có lời, rồi đầu vụ Hè Thu này phân bón vẫn còn giá cao nên tôi chuyển qua trồng sen. Giá sen hiện tại cũng ổn định mà lại không tốn nhiều chi phí phân thuốc so với cây lúa”.

    Theo ước tính, toàn huyện Mỹ Tú có khoảng 500 ha không xuống giống lúa Hè Thu, tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng trũng của huyện. Bên cạnh sự e ngại trước sự tăng giá phân bón, thì trà lúa Hè Thu thường thu hoạch vào cao điểm mùa mưa bão cũng là nguyên nhân khiến nông dân tại khu vực vùng trũng quyết định tạm ngưng sản xuất lúa trong vụ này. Thay vì bỏ trống đất ruộng, để có thu nhập thay thế, người dân đã chủ động tận dụng mặt ruộng để thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi khác nhau như: Nuôi cá đăng quầng, nuôi vịt chạy đồng,... Ông Trần Văn Luận, cùng ngụ ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú cho biết: “Nếu sạ vụ Hè Thu này sợ khi lúa chín gặp ngay mưa bão sẽ khó cắt và máy móc cũng hạn chế, khó khăn. Thay vì bỏ hoang đất thì tôi thả vịt nuôi, vừa có tiền trang trải hàng ngày lại không phải lo nhiều như trồng lúa”.

    Căn cứ vào điều kiện thời tiết, thủy văn, lịch thời vụ lúa Hè Thu năm 2022 đã được bố trí sớm hơn nửa tháng so với hàng năm. Thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho vụ Hè Thu vẫn đang được thực hiện khẩn trương tại những địa phương có đủ điều kiện. Bà con nông dân cũng đã vạch ra những định hướng sản xuất cụ thể để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa hạn chế rủi ro dịch hại ngay từ đầu vụ. Tính đến nay, diện tích xuống giống toàn tỉnh đạt 63.202 ha, trà lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh.

    Đồng chí Lưu Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết: “Đối với thị xã Ngã Năm, kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu là 18.500 ha. Đến thời điểm này đã xuống giống được 18.400 ha, đạt 99% kế hoạch. Đối với việc bón phân, bà con cân đối lượng phân, bón hòa hợp các loại phân để tránh thừa phân đạm mà đáp ứng đủ cho nhu cầu của cây lúa. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong quá trình sản xuất”.

    Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 ha không xuống giống vụ Hè Thu, tập trung nhiều tại huyện Mỹ Tú và huyện Kế Sách. Trước những áp lực về chi phí đầu tư và rủi ro về thời tiết, sự e dè của phần lớn nông dân là điều dễ hiểu. Tuy vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần lựa chọn mô hình chuyển đổi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Riêng những địa phương có điều kiện thuận lợi cần đẩy nhanh tiến độ xuống giống theo lịch khuyến cáo. Bởi vì việc xuống giống sớm không chỉ đảm bảo an toàn cho năng suất lúa Hè Thu giai đoạn thu hoạch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuống giống vụ  Đông Xuân tới sớm hơn để “tránh hạn, né mặn” vào giai đoạn cuối vụ.

    Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Đối với phần diện tích quyết định không xuống giống vụ Đông Xuân, bà con cần cân nhắc lựa chọn những mô hình thật sự có hiệu quả kinh tế cao. Trong nhiều năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã thường xuyên khuyến cáo bà con có nhu cầu chuyền đổi đất lúa, thực hiện mô hình luân canh như nuôi cá, trồng sen, trên liếp thì trồng cây ăn trái để tăng giá trị sử dụng đất lên cao hơn. Và điều quan trọng cần thực hiện là chính quyền địa phương phối hợp ngành chuyên môn hình thành được các tổ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết đầu ra sản phẩm, giúp cho nông dân có thu nhập bền vững hơn. Đồng thời, xây dựng những vùng này thành vùng chuyên canh trong phát triển giá trị sản xuất đất nông nghiệp”.

    Cũng như nhiều nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Sóc Trăng vừa trải qua vụ lúa Đông Xuân với nhiều khó khăn do giá phân bón tăng cao, trong khi giá lúa có phần thấp hơn so với cùng kì. Sau vụ Đông Xuân, thì Hè Thu là vụ lúa quan trọng thứ hai trong năm, nên hầu hết bà con nông dân khi quyết định canh tác vụ Hè Thu thì có sự chuẩn bị rất tốt để đảm bảo an toàn về năng suất, nhất là khi giá lúa nhiều dự báo sẽ tăng cao do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng mạnh trong quý II và quý III năm nay.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 74
  • Hôm nay: 1469
  • Trong tuần: 70,802
  • Tất cả: 11,864,829